Trước đây, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất gạch, ngói trong Hội Gốm sứ xây dựng tỉnh thường hoạt động đạt và vượt 100% công suất thiết kế lò với tổng năng lực sản xuất hàng năm đạt khoảng 450 triệu viên, nhưng 9 tháng năm nay, ít đơn vị khai thác đạt được công suất đó và sản lượng giảm hẳn. Ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch Hội Gốm sứ xây dựng tỉnh đồng thời là Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và Thương Mại gạch Đồng Tâm ở Minh Đạo (Tiên Du) cho hay: “Với các doanh nghiệp sản xuất gạch, khó khăn về thị trường tiêu thụ có dấu hiệu từ năm 2012. Bước sang năm 2013 không chỉ khó khăn hơn về thị trường mà giá gạch còn giảm nhiều so với những năm trước nên hầu hết các doanh nghiệp sản xuất gạch đều trong tình trạng “điêu đứng”. Với Công ty Đồng Tâm cũng vậy, năm nay đã cắt giảm công suất còn 15 - 16 triệu viên/năm (bằng 80% công suất thiết kế lò), giảm 4 - 6 triệu viên/năm so với thời kỳ cao điểm. Vậy mà sản phẩm vẫn bị ứ đọng từ 2 - 4 triệu viên. Thực trạng này đang gây không ít khó khăn cho công ty, nhất là về tài chính. Tạm thời, đơn vị chấp nhận sản xuất và tiêu thụ để trả lương cho công nhân và từng bước tiếp cận thị trường mới để tháo gỡ khó khăn”.
Gạch tồn chất đầy bãi là thực trạng chung của các doanh nghiệp sản xuất gạch. Ảnh chụp tại bãi gạch của Công ty Cổ phần sản xuất và Thương Mại Đồng Tâm.
|
Tại Công ty TNHH gạch Tuynel Sông Đuống, liền kề với Đồng Tâm, trước đây làm ăn khá hiệu quả nhưng trong giai đoạn khó khăn này cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. 9 tháng qua, sản lượng chỉ đạt hơn 10 triệu sản phẩm, nhưng sản phẩm tồn bãi vẫn còn gần 6 triệu viên. Ông Trần Văn Lập, Giám đốc Công ty cho rằng: “Đang là mùa xây dựng đáng lẽ vào thời điểm này sản phẩm sản xuất ra không đủ để bán nhưng năm nay lại hoàn toàn ngược lại. Sản phẩm sản xuất ra chỉ tiêu thụ được hơn 50% không đủ trang trải chi phí. Mặc dù rất khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm nhưng nhà máy không thể ngừng sản xuất vì lý do nếu tắt lò đồng nghĩa với việc phá sản. Do đặc thù là lò tuynel nên nếu tắt lò ngừng sản xuất để chờ tiêu thụ hết sản phẩm sau đó vận hành lại phải tiêu tốn hàng trăm triệu đồng tiền điện và các chi phí khác. Vì thế, dù sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được nhưng đơn vị vẫn phải sản xuất cầm chừng, hy vọng thời gian tới sẽ tươi sáng hơn”.
Qua tìm hiểu, tại các công ty gạch Hạ Long, Cầu Ngà (Quế Võ), Đại Thịnh, Đông Việt (Thuận Thành),… được biết, tất cả đều xảy ra tình trạng ế ẩm sản phẩm. Các đơn vị sản xuất đều cho rằng, sản lượng gạch trong 9 tháng qua giảm từ 20 - 40% so với các năm trước mà hàng vẫn tồn đọng nhiều (đơn vị ít cũng 2 - 3 triệu viên, nhiều 6 - 7 triệu viên), trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả nợ vay ngân hàng, trả lương, thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước... Đây là một trong những giai đoạn khó khăn nhất của các doanh nghiệp sản xuất gạch, vì tại một số đơn vị giá bán chỉ bằng giá thành sản phẩm mà tiêu thụ vẫn chậm.
Hiện các doanh nghiệp sản xuất gạch đang cố gắng duy trì hoạt động cầm chừng và hy vọng thời gian tới thị trường này có nhiều chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thời gian tới ngành sản xuất gạch nung vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và nếu các doanh nghiệp không có phương án đổi mới sản xuất, kinh doanh thì sẽ khó tồn tại được trên thị trường. Vì thế, ngoài nỗ lực của bản thân, các doanh nghiệp đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa của các cấp, ngành có liên quan để sản xuất vật liệu xây dựng nói chung, gạch nung nói riêng giảm bớt phần nào khó khăn trong sản xuất kinh doanh.