Trong thông báo sau cuộc họp diễn ra vào 2 ngày 14-15/10 tại Paris, các bộ trưởng tài chính G20 cam kết: “Chúng tôi đảm bảo rằng các ngân hàng sẽ được cấp vốn đầy đủ và có thể tiếp cận tới các nguồn vốn nhằm chống chọi với cuộc khủng hoảng hiện tại”.
Cuộc họp của G20 diễn ra trong bối cảnh các quan chức tại châu Âu sắp đạt được thỏa thuận về một kế hoạch toàn diện nhằm bình ổn hệ thống ngân hàng và giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài.
Do Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso soạn thảo trong tuần trước, kế hoạch này sẽ được thảo luận chi tiết tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu vào ngày 23/10 tại Brussels.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Tim Geithner nhận định trong thông báo chung của G20: “Chúng tôi đã được nghe về những hành động đầy khích lệ từ các đồng nghiệp châu Âu tại Paris về kế hoạch toàn diện nhằm giải quyết với cuộc khủng hoảng tại khu vực”.
Ông cho biết thêm các nhà lãnh đạo châu Âu chắc chắn sẽ có rất nhiều việc phải làm về chiến lược và chi tiết của kế hoạch trên. Tuy nhiên, ông bày tỏ niềm lạc quan về sự hỗ trợ của hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức và Pháp đối với kế hoạch trên. Ông nói: “Khi Đức và Pháp đã đồng ý về kế hoạch trên và quyết định hành động, mọi việc lớn đều có thể được thực hiện”.
Được biết, kế hoạch toàn diện của EC sẽ chính thức được trình bày tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 04-05/11 tại Cannes, Pháp.
Bên cạnh đó, các bộ trưởng tài chính G20 còn hoan nghênh việc gia tăng quy mô của Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) lên 440 tỷ EUR. Hiện EFSF có thể can thiệp vào các thị trường nợ và cho các Chính phủ cần tái cấp vốn ngân hàng vay tiền. Theo nhiều người, EFSF cần thêm sử dụng thêm “đòn bẩy” để có thể cùng lúc vừa giải quyết khủng hoảng nợ và khủng hoảng ngân hàng. Dự kiến các quan chức Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp về thảo luận về cách thức để gia tăng quyền lực cho EFSF tại cuộc họp vào ngày 23/10.
Ngoài ra, G20 cũng đạt được tiến triển về kế hoạch hành động nhằm giải quyết các khó khăn của nền kinh tế toàn cầu và thúc đẩy tăng trưởng. Các bộ trưởng cho rằng các nền kinh tế phát triển phải tiếp tục cắt giảm nợ nần và thâm hụt ngân sách đồng thời vừa tiến hành các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng.
Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi cần giải quyết các rủi ro như lạm phát và sự mất cân đối của nguồn vốn còn các quốc gia đang phát triển có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu cần phải kích thích nhu cầu tiêu thụ nội địa.
G20 cho biết tổ chức này đang áp dụng một số biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hệ thống tiền tệ quốc tế, trong đó có việc quản lý dòng vốn và tỷ giá.
Liên quan đến việc tăng cường nguồn lực vốn cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các bộ trưởng cũng hoan nghênh kế hoạch này và thông báo cho thấy G20 kỳ vọng nhận được sự đóng góp lớn hơn từ các tổ chức tín dụng quốc tế. G20 cam kết IMF sẽ có đủ nguồn lực để hoàn thành trách nhiệm và mong muốn thảo luận về vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng tới.
Theo nhận định của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Geithner trong thông báo, IMF có đủ nguồn lực tài chính và có thể được sử dụng để bổ sung kế hoạch toàn diện của châu Âu. Dù vậy, ông cho biết rằng nguồn lực của IMF sẽ được sử dụng bên cạnh nguồn lực có quy mô lớn hơn của châu Âu.
Cuối cùng, G20 cam kết tiếp tục thực hiện kế hoạch tăng cường sức mạnh của hệ thống tài chính toàn cầu và đẩy lùi các rủi ro do các tổ chức tài chính được xem là “quá lớn để có thể sụp đổ” gây ra.
|